Đang gửi...

Hầu hết pin mặt trời trên thế giới lắp đặt sai hướng

Hàng triệu người đã đầu tư nhiều tiền của để lắp đặt các tấm pin mặt trời thân thiện với môi trường, nhưng hầu hết các thiết bị này đều bị lắp đặt sai hướng, theo một nghiên cứu mới.

Quan niệm phổ biến ở bắc bán cầu là, hướng các tấm pin mặt trời về phía nam để chúng được tiếp xúc nhiều nhất với ánh nắng ban ngày. Các kiến trúc sư và kỹ thuật viên luôn tuân thủ nguyên tắc này, đặc biệt trong việc lắp đặt thiết bị thiết bị cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Viện Pecan Street (Mỹ) hé lộ rằng, các tấm pin mặt trời hướng về phía tây mới thực sự thu nhận được nhiều năng lượng hơn từ mặt trời.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, những hộ gia đình ở Austin, Texas (Mỹ) cho lắp đặt pin mặt trời hướng về phía tây có thể sản sinh được nhiều điện hơn mỗi ngày. Họ cũng thu được nhiều năng lượng hơn nhờ thiết bị vào buổi chiều, khi mạng lưới điện phải đáp ứng nhu cầu tăng đến đỉnh điểm.

Mặc dù mức tăng sản sinh năng lượng vào buổi chiều rất nhỏ, chỉ đạt 2%, nhưng các chuyên gia nhận định nó chắc chắn sẽ là đáng kể trong nhiều năm. Hơn thế nữa, việc giảm phụ thuộc vào điện lưới tới 65% trong các giờ cao điểm nhờ hướng pin mặt trời về hướng tây, thay vì 54% như hướng thiết bị về phía nam, có thể tăng tính hiệu quả của pin mặt trời ở các hộ gia đình.

Các tấm pin mặt trời cấu tạo gồm nhiều tế bào quang điện (PV) được sắp thành lớp trên vật liệu bán dẫn, thường là silicon. Khi ánh sáng rọi chiếu vào các tế bào PV, nó tạo ra một trường điện khắp tấm pin. Nắng càng gay gắt, lượng điện sản sinh ra càng nhiều.

Ở Anh, một hệ thống pin mặt trời trung bình có công suất từ 3,5 - 4 kWp và có giá khoảng 8.000 - 15.000 USD. Ước tính, một hệ thống công suất 4 kWp có khả năng sản sinh gần 3.700 kilowatt-giờ (kwh) điện một năm, gần tương đương nhu cầu trung bình của một hộ gia đình.

Tuấn Anh(Theo Daily Mail)

Mục khác